Main Content

Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài.

"Chiếc ghe là hình ảnh quen thuộc của người dân vùng sông nước Nam bộ"


Làng nghề xuồng, ghe Bà Đài (xã Long Hậu, Lai Vung- Đồng Tháp) đã có hàng trăm năm nay. Các chủ cơ sở cho biết, công việc thì luôn có suốt năm nhưng thời điểm tất bật nhất là vào mùa đón lũ. Không chỉ thương lái địa phương mà khắp các tỉnh miền Tây cũng đổ về, đắt nhất là xuồng cui và xuồng thơ (Cần Thơ)– phương tiện giăng câu, thả lưới thông dụng vào mùa nước nổi.

Vào mùa lũ, ghe xuồng là phương tiện đi lại, chuyên chở hàng hóa rất thông dụng của người dân lao động miền sông nước Nam bộ. Đây cũng là phương tiện dùng để đánh bắt thủy sản mùa lũ, thế nên nhu cầu về ghe xuồng rất lớn. Điều đó đã khiến cho nghề đóng ghe xuồng ở Long Hậu có điều kiện phát triển mạnh và trở thành một địa chỉ uy tín, tin cậy hơn trăm năm qua đối với thương lái khắp các tỉnh như Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long…. Làng nghề xuồng, ghe Bà Đài (xã Long Hậu, Lai Vung- Đồng Tháp) đã có hàng trăm năm nay. Các chủ cơ sở cho biết, công việc thì luôn có suốt năm nhưng thời điểm tất bật nhất là vào mùa đón lũ. Không chỉ thương lái địa phương mà khắp các tỉnh miền Tây cũng đổ về, đắt nhất là xuồng cui và xuồng thơ (Cần Thơ)– phương tiện giăng câu, thả lưới thông dụng vào mùa nước nổi.
Khởi xướng nên làng nghề này là ông Phạm Văn Thuông (1875 – 1945). Quê quán: xã Long Hậu, huyện Lai Vung. Ông rất giỏi nghề mộc, và rất vững về “mực mẹo” nghề đóng xuồng. Sản phẩm làm nên “danh tiếng” của ông là “chiếc xuồng cui và ghe tam bản”.Vốn tính cẩn trọng, ông hướng dẫn người theo học nghề với qui trình từ dễ đến khó : cưa ván, búng mực, bào, uốn be, vô vỏ, lọng cong… do đó ở làng này đã hình thành nên lớp thợ trẻ thạo nghề lại biết kết hợp nhuần nhuyễn với công nghệ chuyên môn hoá nên ngày càng có nhiều sáng kiến, tạo ra nhiều mẫu mã mới đáp ứng theo nhu cầu của nhân dân và xu hướng phát triển của xã hội.


Làng nghề đóng ghe xuồng này hoạt động quanh năm, cao điểm nhất là từ đầu tháng 4 âm lịch cho đến cuối tháng 8 âm lịch. Nếu gặp năm lũ lớn, nhu cầu tăng cao thì mùa cao điểm kéo dài cho đến tận tháng 10. Có lúc khách đặt nhiều, xuồng sản xuất ra không kịp giao cho khách hàng.
Những năm gần đây, người dân đã sử dụng nhiều loại máy móc để sản xuất nên sản phẩm làm ra cũng nhanh hơn, nhiều hơn. Ghe xuồng ở Long Hậu được đóng thành nhiều kiểu dáng khác nhau như xuồng cui, xuồng vỏ gáo, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá... tùy theo thị hiếu sử dụng của người trong và ngoài tỉnh. Do năm nay nước lũ về ít nên các loại xuồng nhỏ tiêu thụ không được nhiều. Thay vào đó, các loại ghe có trọng tải lớn từ 40 đến 50 tấn chuyên dùng để chở hàng hóa lại được khách hàng đặt nhiều.


Hiện tại, loại xuồng nhỏ kích cỡ 4,5 mét - 6,5 mét giá bán dao động từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/chiếc tùy loại. Mỗi người thợ một ngày có thể đóng được một chiếc. Loại ghe có trọng tải lớn từ 40 đến 50 tấn thì phải đóng đến 40 ngày mới xong và giá giao động từ 180 triệu đến 300 triệu đồng. Mỗi năm, xã Long Hậu xuất đi khắp nơi gần 4.000 chiếc ghe, xuồng các loại phục vụ người dân miền Tây Nam bộ.

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng những người thợ cả đời gắn bó với nghề đóng ghe xuồng ở Long Hậu vẫn luôn tin rằng, thế hệ con cháu họ sẽ vẫn tiếp nối cái nghề đáng tự hào của ông cha để lại.

Nhìn những thanh niên trai trẻ của làng nghề cần mẫn và tỉ mỉ với công việc mới thấy lòng yêu nghề trong họ lớn như thế nào. Họ đang cố gắng để có thể học hỏi thật nhiều điều từ những người đi trước, để có thể đóng được những chiếc xuồng đẹp hơn, tốt hơn cho những người dân sống ở miền sông nước Cửu Long.

 

Ứng xử văn hóa khi tham quan di tích, di sản


Content for New div Tag Goes Here